Ăn cái gì thì học giỏi?
Rất nhiều phụ huynh hiện nay luôn mong muốn con em mình được giỏi hơn người, ngoài chuyện học trường gì, học ở đâu còn muốn con mình ăn gì để học giỏi nữa : thịt, cá, trứng, rau, sữa, … thì cái nào tốt cho trí thông minh của trẻ? Thực tế cái nào cũng tốt cả, cái nào cũng cần nhưng chỉ cần vừa đủ, không thừa không thiếu mới tạo được sự phát triển toàn diện và cân bằng về thể chất cho trẻ, riêng “tinh thần” để thông minh thì trẻ cần phải “ăn” nhiều thứ mà đôi khi phụ huynh không để ý hoặc hay quên.
Để trẻ học giỏi thì quan trọng nhất phải cho “ăn” từ tháng thứ sáu trong bụng mẹ đến lúc sinh ra, giai đoạn này ngoài những “vật chất” hấp thụ từ dinh dưỡng của mẹ, trẻ đã mặc nhiên hấp thụ những “dinh dưỡng tinh thần” qua tâm tính và suy nghĩ của mẹ nữa, “mẹ vui thì sau này con vui, mẹ buồn thì sau này con buồn”, “mẹ suy nghĩ tích cực thì sau này con suy nghĩ tích cực, mẹ nghĩ ác thì sau này con sẽ làm ác”, “mẹ đọc sách thì sau này con sẽ giỏi văn, mẹ thường tín nhẩm thì sau này con sẽ giỏi toán”,… Những điều này khoa học đã kiểm chứng và dân gian chúng ta hay gọi là “gen” theo nghĩa bóng đó, thử nghĩ tính ẩn dụ trong câu “Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa” có liên quan một phần đến điều này không? Hay câu “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời” cũng ở chỗ này đó!
Ngoài ra, để một đứa trẻ thông minh học giỏi thì từ bé đến lớn còn phải được “ăn” nhiều thứ nữa : Tình thương yêu trong gia đình, những cái học được từ người lớn, thầy cô và sách vở, những cái thấy được ngoài xã hội hay những gì cảm nhận được từ bạn bè đồng trang lứa, … (Những cái này ông bà ta thường nói ngắn gọn “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” đó!). Mỗi một lứa tuổi thì trẻ có sở thích “ăn” những “món” này khác nhau, ví dụ từ 13 đến 16 tuổi thì “món cuối” trên đây là hợp khẩu vị nhất (Trẻ thường tâm sự và học theo bạn bè nhiều hơn việc chấp nhận lời khuyên của người lớn, vì đây là hiện tượng “tách mẹ” rất bình thường của tạo hóa trong tự nhiên).
Vì vậy có thể thấy được trẻ cần “ăn” rất nhiều “món ngon” theo từng giai đoạn mới giỏi, ngoài ra món ngon mà nấu và ăn đúng cách mới ngon, không nhất thiết phải ép trẻ “ăn” quá nhiều “món”, nhiều phụ huynh muốn một đứa trẻ học cấp một mà phải giỏi toán, văn, âm nhạc, ngoại ngữ, thể thao, hội họa, … nhưng điều này là không thể, vì ngay cả bản thân người lớn như chúng ta cũng khó giỏi được một vài môn kia? Chẳng hạn một đứa trẻ lớp một chỉ có thể trả lời câu hỏi “Lớp con ai học giỏi nhất?” chứ không thể trả lời câu “Sao con không học giỏi nhất lớp?”, người lớn thường quên rằng những đứa trẻ như thế dù thông minh đến đâu cũng chỉ hiểu được “thế nào là giỏi nhất” chứ không thể hiểu “làm sao để giỏi nhất”, vì vậy nên từ từ dạy trẻ hiểu được “giỏi nhất là gì?”, “giỏi nhất được cái gì?” thì một ngày nào đó trẻ sẽ có động lực để giỏi nhất, khi đó người lớn giải thích “làm sao để giỏi nhất” sẽ rất dễ dàng.
Sau cùng, có người hỏi tại sao con mình cũng được “ăn” đầy đủ “dưỡng chất” không thiếu thứ gì mà vẫn không giỏi như mơ ước? Vì rằng mơ ước của phụ huynh thì bao la như vũ trụ, nhưng con mình chỉ là một vì sao bé nhỏ trong vũ trụ đó mà thôi, được “ăn” nhiều và đúng cách thì con mình sẽ là “vì sao” sáng hơn những “vì sao” khác thôi, chứ không thể là “mặt trời”, “mặt trăng” che lấp cả thiên hà được. Định mệnh thường chiếm 60% của một đời người, những gì chúng ta “ăn” chỉ thay đổi được một phần trong 40% của Nhân Mệnh và Thiên Mệnh mà thôi, cổ nhân vẫn biết khi sinh ra người đó sau này sẽ “làm quan” hay “ăn mày” là vậy đó, ai chưa tin thì thử so sánh mình với người khác sẽ biết thôi, chẳng hạn “Tại sao mình giỏi hơn mà không giàu bằng người ấy?”, “Tại sao mình giàu hơn mà không hạnh phúc bằng người ấy?”, “Tại sao mình ăn rau mà vẫn thấy đã hơn người ấy đang khó nhọc nuốt từng muỗng sữa Ensure?”, đúng không?
Đôi điều tâm sự với mọi người! Hãy cùng nhau chia sẽ “Những bài học và kinh nghiệm sống cần thiết” để thế giới ngày một tốt đẹp hơn.
Nguyễn Thanh Bình
0908.125252